SỬA LỖI GIAO TIẾP CHO HỌC VIÊN THÔNG QUA VIỆC CHÚ TRỌNG VÀO CẤU TRÚC, NHẮC LẠI VÀ TẠO MÔI TRƯỜNG GIAO TIẾP
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.05.341Tóm tắt
Nội dung chính của bài viết là về tác động của những phương thức sửa lỗi thông dụng khi học viên mắc lỗi giao tiếp. Đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ. Một câu hỏi rất nhiều người đặt ra là việc sửa lỗi của giáo viên hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ như thế nào? Mặc dù theo phương pháp giao tiếp, giáo viên không sửa từng lỗi nhỏ cho học viên, nhưng làm thế nào giáo viên có thể cho một học viên biết được đã mắc lỗi khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, đồng thời không làm ảnh hưởng đến mong muốn giao tiếp của bản thân học viên đó. Làm thế nào giáo viên biết được là việc sửa lỗi có tác động tích cực đến quá trình học ngoại ngữ của học viên. Bài viết mở đầu với các phần trình bày về quy trình học (learning) và cảm thụ (acquisition) ngoại ngữ nói chung, được thể hiện thông qua một số sơ đồ đơn giản, dễ hiểu miêu tả các bước và yếu tố quan trọng trong quy trình này. Tiếp theo là phần trình bày ba phương thức thường được sử dụng khi sửa lỗi cho học viên. Phương thức thứ nhất là chú trọng vào cấu trúc (focus-on-form) trong đó việc sửa các lỗi như ngữ pháp, cấu trúc câu được lồng ghép trong các bối cảnh giao tiếp cụ thể, có ý nghĩa. Phương thức thứ hai là nhắc lại (recast) - tức là giáo viên nhắc lại câu nói (sai) của học viên, sửa chỗ sai về cấu trúc, ngữ pháp, v.v., mà không thay đổi ý của câu nói. Theo một nghiên cứu của Han (2002b) thì đây là một trong những phương thức hữu hiệu được giáo viên dùng nhiều. Phương thức thứ ba là tạo môi trường điều kiện (output) cho học viên sử dụng tiếng - qua đó họ mắc lỗi và tự sửa lỗi; không chỉ các lỗi ngữ pháp, cấu trúc mà còn các lỗi về tính thích hợp của một phát ngôn, văn hóa, v.v. Bài viết cũng nêu tầm quan trọng của việc áp dụng các phương thức sửa lỗi khác đối với từng đối tượng học viên, ở các trình độ khác nhau. Bài viết cũng gợi ý cần phải có các nghiên cứu sâu hơn về điểm mạnh và điểm yếu của từng phương thức sửa lỗi, và tập hợp thành một cuốn cẩm nang về sửa lỗi cho giáo viên ngoại ngữ.