ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC TẠI KHOA TIẾNG NHẬT - TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.658Tóm tắt
Những năm gần đây, trong xu thế quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, tại Việt Nam, mối quan tâm về Nhật Bản đã được nhân lên sâu rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, văn học, giáo dục... Việc giảng dạy tiếng Nhật đang được đưa dần vào bậc phổ thông nhằm phổ cập hóa ngoại ngữ này. Hơn nữa, việc nghiên cứu Nhật Bản đang đứng trước yêu cầu xã hội đặt ra là phải được thực hiện một cách khoa học hơn và chuyên sâu hơn. Trong xu thế đó, bài viết của chúng tôi bàn đến việc mở hệ đào tạo sau đại học chuyên ngành tiếng Nhật của Trường Đại học Hà Nội.
Chúng tôi xem xét các sự kiện hoạt động kỉ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Việt Nam gần đây, đặc biệt là cuộc thi tìm hiểu Văn hóa Nhật Bản do Công ty P&T tổ chức và 2 hội thảo khoa học quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, phân tích các số liệu người tham dự, kết quả thu nhận và những đặc thù về cách lí giải văn hóa của người Nhật, mối quan tâm và quan niệm của người Việt về Nhật Bản, cũng như cách thức và các đặc trưng của việc nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm gần đây. Mặt khác, dựa trên số liệu điều tra của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và qua thực tế đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng: tuy việc giảng dạy tiếng Nhật có phát triển nhưng vẫn chưa phổ cập sâu rộng dẫn đến việc nghiên cứu tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, đội ngũ nghiên cứu trẻ (chúng tôi gọi là thế hệ nghiên cứu thứ 2) đang còn ở tình trạng thiếu hụt. Từ đó, có thể cho rằng, việc tận dụng mọi nguồn lực để mở hệ đào tạo sau đại học là điều cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện nay.
Trường Đại học Hà Nội có 35 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nhật và đó sẽ là một trong những thuận lợi trong việc kế thừa thành quả, phát huy các mặt mạnh, khai thác tiềm năng sẵn có để có thể mở hệ đào tạo sau đại học về Nhật Bản tại Trường. Đó là việc huy động mọi nguồn lực như sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, huy động lực lượng cán bộ trong và ngoài Trường, chú trọng định hướng bố trí các giáo viên trẻ làm trợ giảng cho các chuyên gia lâu năm và các chuyên gia Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và chuẩn bị cho việc chuyển giao công nghệ, phát triển đào tạo lâu dài. Mặt khác là sự mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới mở thêm các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở của Nhật, phát triển việc đào tạo và nghiên cứu tiếng Nhật của đơn vị ngày càng chuyên nghiệp và đa dạng hóa hơn.