TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY MÔN HỌC ĐẤT NƯỚC - VĂN HÓA NHẬT BẢN CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC CHUYÊN NGÀNH TIẾNG NHẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI

Các tác giả

  • TRƯƠNG THỊ MAI

DOI:

https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.660

Tóm tắt

"Đất nước-Văn hoá Nhật Bản" là một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân tiếng Nhật. Theo Chương trình khung đào tạo cử nhân tiếng Nhật hiện đang được áp dụng tại Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội, kể từ khoá đào tạo 2005-2009, số đơn vị học trình (ĐVHT) của môn học này từ 3 tăng lên thành 5 ĐVHT nên cần có những bổ sung cải tiến về nội dung giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu mới. Với mục tiêu đó, để có được một cái nhìn tổng quát về thực trạng giảng dạy môn học này, chúng tôi tiến hành điều tra sinh viên khoá đầu tiên học môn “Đất nước-Văn hoá Nhật Bản” theo chương trình mới, nhằm tìm hiểu nguyện vọng cũng như ý kiến của sinh viên, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, và đề xuất cải tiến nội dung và các hoạt động trên lớp cho môn học.

Đầu tháng 9/2008, chúng tôi đã tiến hành điều tra và nhận được sự hợp tác của 76 sinh viên năm thứ 3 (khoá 2005-2009). Sau khi tiến hành xử lý và khảo sát kết quả, chúng tôi xin được đưa ra một số nhận định sau:

- Đối với sinh viên, “Đất nước-Văn hoá Nhật Bản” là một môn học cần thiết, mang lại cho họ kiến thức về Nhật Bản - một điều không thể thiếu với người đang học tập tiếng Nhật và sử dụng tiếng Nhật để làm việc trong tương lai.

- Giờ học “Đất nước-Văn hoá Nhật Bản” hiện nay tuy đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của sinh viên về mặt kiến thức liên quan đến đất nước và văn hoá Nhật Bản song chưa thực sự trở thành một môi trường tốt để rèn luyện tiếng Nhật ở trình độ cao cấp tương ứng với học phần 5. Điều này đòi hỏi giáo viên cần có những cải tiến để tạo môi trường học tập tiếng Nhật tốt hơn trong giờ học này.

- Về nội dung giảng dạy, cần lưu ý tăng cường những nội dung như “Kinh tế” hay “Tư tưởng của người Nhật”, là những nội dung rất được quan tâm.

- Về các hoạt động trên lớp, hiện nay giáo viên vẫn còn chú trọng nhiều vào việc giải thích theo sách hay giáo trình, chưa có những hoạt động giao lưu với người Nhật hay tao điều kiện cho sinh viên được tiếp cận trực tiếp với văn hoá Nhật Bản.

Trên cơ sở những kết quả thu được, chúng tôi chủ trương đổi mới nội dung giảng dạy, tổ chức giao lưu với các giáo viên người Nhật về chủ đề Đất nước-Văn hoá Nhật Bản. Đồng thời, tăng cường những hoạt động đã có như cho sinh viên tìm hiểu và phát biểu về các lĩnh vực liên quan, bổ sung các tài liệu nghe nhìn trên lớp…

Bài viết này mới chỉ giới hạn điều tra và đánh giá môn học qua ý kiến của sinh viên trong phạm vi Khoa tiếng Nhật. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra cũng như tham khảo thêm nhiều ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học này tại các cơ sở đào tạo tiếng Nhật khác cũng như ý kiến của sinh viên đã tốt nghiệp để có được sự so sánh và một cái nhìn khách quan hơn.

Tải xuống

Đã Xuất bản

2024-12-30

Cách trích dẫn

TRƯƠNG THỊ MAI. (2024). TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY MÔN HỌC ĐẤT NƯỚC - VĂN HÓA NHẬT BẢN CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC CHUYÊN NGÀNH TIẾNG NHẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI. Tạp Chí Khoa học Ngoại ngữ, (17), 35–49. https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.660