GIẢNG DẠY MỆNH ĐỀ ĐỊNH NGỮ TIẾNG NHẬT CHO SINH VIÊN VIỆT NAM

Các tác giả

  • LƯƠNG HẢI YẾN

DOI:

https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.662

Tóm tắt

Trong ngữ pháp tiếng Nhật có rất nhiều phạm trù ngữ pháp khó, trong đó có mệnh đề định ngữ. Nó không chỉ khó với người học mà còn khó với cả người dạy nữa. Dựa trên kết quả điều tra thực tế những khó khăn khi học và sử dụng mệnh đề định ngữ, chúng tôi xin đưa ra một số thủ pháp giảng dạy kĩ năng thực hành tiếng để giáo viên có thể tham khảo và ứng dụng trong các giờ dạy của mình. Cho đến nay vẫn chưa có nhiều những nghiên cứu về lĩnh vực này nên tác giả đã mạnh dạn tìm hiểu và nghiên cứu về đề tài này. Trong quá trình nghiên cứu tác giả cũng đã thử ứng dụng những thủ pháp đó và đã thu được những kết quả nhất định.

Cũng như nhiều ngôn ngữ khác, người sử dụng tiếng Nhật, muốn truyền tải được nhiều thông tin trong một câu nói, thì không những chỉ sử dụng những câu đơn mà còn phải sử dụng những câu phức. Mệnh đề định ngữ chính là một công cụ để giúp chúng ta thực hiện điều đó. Tuy nhiên, do tiếng Việt và tiếng Nhật phân bố trật tự các thành phần bổ nghĩa khác nhau, nói chính xác là nhiều phần ngược nhau, nên khi muốn hình thành câu có sử dụng mệnh đề định ngữ người nói gặp không ít khó khăn. Cụ thể là trong tiếng Nhật phần bổ nghĩa đứng trước, trong khi đó ở tiếng Việt phần giải thích bổ nghĩa lại đứng sau. Chính vì vậy mà tư duy của người nói ngôn ngữ này chuyển sang ngôn ngữ kia và ngược lại đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo như kết quả điều tra về những khó khăn khi sử dụng mệnh đề định ngữ thì mặc dù cố gắng sử dụng mệnh đề định ngữ nhưng số sinh viên tự tin, sử dụng tốt thì không nhiều. Ngoài lí do về cấu tạo thì cách giảng dạy mệnh đề định ngữ cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới kết quả sử dụng của sinh viên. Chính vì vậy nghiên cứu này đã đưa ra những cách thức giảng dạy mới dễ hiểu, dễ áp dụng hơn và có hiệu quả hơn. Đó là việc hệ thống hoá cấu trúc mệnh đề định ngữ và dựa vào đó phân tích cho người học hiểu bản chất và luyện tập thành thạo, mà không mất nhiều thời gian và nhiều lần để giải thích.

Trước hết để người học nắm vững danh từ có yếu tố định ngữ, giáo viên nên đi từ khái niệm đến cấu trúc. Chẳng hạn, trong tiếng Nhật, danh từ được giải thích bằng một danh từ khác như thế nào, danh từ được giải thích bằng tính từ như thế nào. Cuối cùng, dẫn đến vấn đề danh từ được giải thích bằng một mệnh đề ra sao. Giáo viên nên hệ thống các loại mệnh đề có thể đứng trước danh từ mà sinh viên đã học để họ có thể hiểu dễ dàng và tự mình vận dụng được. Ngoài ra, trong quá trình hệ thống hóa và ứng dụng, cũng nên lưu ý người học về sử dụng những yếu tố như trợ từ đi với chủ ngữ của mệnh đề phụ. Ngoài giờ học ngữ pháp, trong các giờ học khác như nghe, nói, đọc, dịch... giáo viên cũng có thể đưa ra những ứng dụng của mệnh đề định ngữ để giúp sinh viên có thể học tốt hơn những môn học đó.

Tải xuống

Đã Xuất bản

2024-12-30

Cách trích dẫn

LƯƠNG HẢI YẾN. (2024). GIẢNG DẠY MỆNH ĐỀ ĐỊNH NGỮ TIẾNG NHẬT CHO SINH VIÊN VIỆT NAM. Tạp Chí Khoa học Ngoại ngữ, (17), 58–71. https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.662