CÁCH GỌI ĐỔI NGÔI TRONG TIẾNG NHẬT VÀ TIẾNG VIỆT QUA NGÔN NGỮ GIAO TIẾP CỦA GIỚI TRẺ
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.17.631Tóm tắt
Trong tiếng Nhật và tiếng Việt có nhiều cách khác nhau để gọi người đối thoại, ví dụ cách gọi bằng tên, gọi bằng đại từ nhân xưng, gọi bằng tên chức vụ, nghề nghiệp. Ngoài ra còn có một cách gọi khác đó là cách gọi đổi ngôi. Gọi đổi ngôi là cách gọi sử dụng danh từ thân tộc để gọi những người không có quan hệ họ hàng, hoặc mượn cách gọi của người có vai vế thấp nhất trong gia đình để gọi những người thân khác. Tiếng Nhật và tiếng Việt đều có cách gọi đổi ngôi này, tuy nhiên qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy có nhiều điểm khác biệt trong trong cách gọi, đặc biệt là trong ngôn ngữ của giới trẻ. Đối với người ngoài gia đình, người Nhật Bản có xu hướng sử dụng những từ như “sumimasen” “ano”… để thu hút sự chú ý của người tham gia đối thoại mà không sử dụng cách gọi đổi ngôi. Ngược lại, trong giao tiếp, người Việt Nam sử dụng rộng rãi cách gọi đổi ngôi để hô gọi và dường như cách gọi này có xu hướng lấn át các cách gọi khác. Khảo sát thực tế việc sử dụng cách gọi đổi ngôi đối với những người không có quan hệ họ hàng như hàng xóm, người lạ… giúp chúng ta hiểu được sự tương đồng và khác biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ cũng như trong văn hóa giao tiếp của mỗi dân tộc, từ đó ứng dụng vào việc học tập, giảng dạy tiếng Nhật và tiếng Việt.