VẤN ĐỀ TOÀN CẦU CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.07.350Tóm tắt
Từ năm học 2002-2003, trường Đại học Ngoại ngữ đào tạo các chuyên ngành mới: Quốc tế học, Quản trị kinh doanh, Du lịch (gần đây có thêm chuyên ngành Khoa học máy tính). Các chương trình chuyên ngành mới này đều được đào tạo bằng tiếng Anh, với mục tiêu bảo đảm cho sinh viên kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt bên cạnh kiến thức chuyên ngành, cũng như mở rộng khả năng của sinh viên tiếp cận các nguồn tài liệu có giá trị trên thế giới. Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ xin giới thiệu với độc giả những nghiên cứu của tập thể giáo viên các khoa mới về các vấn đề cụ thể trong chuyên ngành của mình.
Chương trình Quốc tế học (International Studies) mang mục tiêu giúp cho sinh viên xây dựng được nền tảng kiến thức cũng như cách tiếp cận, nắm bắt các vấn đề quan trọng trong đời sống quốc tế, của các khu vực và trong sự phát triển của Việt Nam. Trong các lĩnh vực của chương trình Quốc tế học nghiên cứu về phát triển (Development Studies) là một nhánh quan trọng. Bài viết “Vấn đề toàn cầu của bình đẳng giới và tác động của nó đối với các quốc gia đang phát triển” của tác giả Thân Phương Nga, Khoa Quốc tế học, bàn về vấn đề giới, một trong những vấn đề nổi bật của nghiên cứu về phát triển hiện nay.
Tụt hậu nhiều thập kỷ so với các nước công nghiệp tiên tiến, các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, bất bình đẳng giới cũng là một thách thức tiềm ẩn những tác động to lớn đến quá trình phát triển của các quốc gia này. Do nhiều lý do lịch sử, kinh tế-xã hội, bất bình đẳng giới đã tồn tại như một hiện tượng của xã hội loài người từ rất xa xưa, từ khi chế độ phụ hệ xuất hiện và sản xuất xã hội dựa trên lao động thô sơ. Ngày nay, những điều kiện kinh tế-xã hội là nền tảng cho sự tồn tại của bất bình đẳng giới đang thay đổi. Bất bình đẳng giới tồn tại trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm và rất nhiều lĩnh vực khác đang là cản trở đối với một lực lượng xã hội to lớn là phụ nữ. Bất bình đẳng giới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó cần phải đặc biệt chú ý tới nguyên nhân kinh tế và văn hoá. Nguyên nhân kinh tế là nguyên nhân sâu xa, cơ bản, thuộc về cơ sở hạ tầng của xã hội loài người. Nguyên nhân văn hoá, mặt khác, lại là một nguyên nhân to lớn thuộc về kiến trúc thượng tầng, có tác động rất sâu rộng và lâu dài, chậm thay đổi kể cả khi cơ sở hạ tầng kinh tế đã thay đổi. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng quan tâm hơn tới tình trạng bất bình đẳng này và tác động của nó tới xã hội văn minh của loài người. Đấu tranh cho bình đẳng giới tạo điều kiện và cơ hội cho tất cả loài người, nam cũng như nữ, có cơ hội phát triển toàn diện cá nhân và cộng đồng, đóng góp vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình ấy một cách bình đẳng. Đấu tranh cho bình đẳng giới còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, gạt bỏ những rào cản trên con đường phát triển. Mức độ bình đẳng giới mà một xã hội đạt được là tiêu chí thể hiện khả năng của xã hội đó tiến tới một xã hội văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững.