TÍNH ANH HÙNG VÀ PHI ANH HÙNG THỂ HIỆN QUA NHÂN VẬT JAKOB HEYM TRONG TÁC PHẨM “JAKOB - KẺ NÓI DỐI” CỦA JUREK BECKER VÀ GEORG HEISLER TRONG “CÂY THẬP TỰ THỨ BẢY” CỦA ANNA SEGHERS
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.19.641Tóm tắt
Những tác phẩm văn học viết về đề tài tàn sát người Do Thái trong chế độ Đức Quốc xã đóng một vai trò nổi bật trong nền văn học Đức thế kỷ XX, trong đó không thể không nhắc đến tiểu thuyết “Cây thập tự thứ bảy” của A. Seghers và “Jakob - kẻ nói dối” của J.Becker. Nếu như trước đây, khái niệm “anh hùng” (Held) được dùng để chỉ nhân vật chính trong một tác phẩm văn chương, mặc dù nhân vật này không phải là hiện thân của những đức tính, hành động anh hùng và luôn thụ động trong hành động của mình, thì ngày nay, khái niệm “phi anh hùng” (Antiheld) được dùng để thay thế. Bằng việc phân tích hai nhân vật chính trong hai tác phẩm này là Jakob, người bán bánh khoai tây trong một khu tập trung người Do Thái của Đức Quốc xã và Georg, một Đảng viên Đảng cộng sản trên đường trốn chạy khỏi trại tập trung, bài viết đã chỉ ra sự thay đổi trong việc sử dụng hai khái niệm “anh hùng” và “phi anh hùng” trong các tác phẩm văn học và điện ảnh thế kỷ XX. Ngoài ra, bài viết so sánh hai nhân vật chính để đi đến kết luận về tính anh hùng của hai nhân vật này theo một cách hiểu khác với cách hiểu truyền thống về người anh hùng.