Nghiên cứu so sánh về mức độ hư hoá của động từ chỉ hướng trong tiếng Việt và động từ xu hướng trong tiếng Trung Quốc trên cơ sở ngữ liệu của “vào” và “jin”
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.66.98Từ khóa:
Loại hình ngữ nghĩa, vai nghĩa, hư hoá, chuyển động, xu hướng, semantic types, semantic roles, grammacalization, motion, directionTóm tắt
Động từ chỉ hướng là một loại động từ đặc biệt trong hệ thống từ loại tiếng Việt. Xét trên phương diện ngữ nghĩa, nghĩa cơ bản của động từ chỉ hướng là chỉ ra phương hướng vận động trong không gian của hành động. Tuy nhiên trên thực tế sử dụng ngôn ngữ, nghĩa của động từ chỉ hướng có thể hư hoá, biểu thị sự vận động phi không gian, từ đó hình thành xu thế biến đổi từ thực từ sang hư từ. Xét trên phương diện kết cấu ngữ pháp, động từ chỉ hướng không chỉ làm vị ngữ trung tâm mà còn có thể đứng sau động từ chính trong câu đảm nhận chức năng trạng ngữ. Với những đặc điểm khác biệt như vậy, động từ chỉ hướng là đề tài nghiên cứu được các nhà Việt ngữ học đặc biệt quan tâm. Trong bài nghiên cứu này chúng tôi lựa chọn động từ chỉ hướng “vào” trong kết cấu tiếng Việt “Vvào” và động từ xu hướng “jin” trong kết cấu tiếng Trung Quốc “Vjin” làm đối tượng khảo sát, đi sâu phân tích ý nghĩa biểu đạt, sự kết hợp với động từ trung tâm, các loại bổ ngữ đứng sau kết cấu trung tâm và mức độ hư hoá của “vào” và “jin”, trên cơ sở đó, kết hợp lý luận ngôn ngữ học đối chiếu, so sánh động từ chỉ hướng “vào” trong tiếng Việt và động từ xu hướng “jin” trong tiếng Trung Quốc, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt, xác định các trường hợp tương đương và không tương đương. Nghiên cứu chỉ ra rằng, “vào” có thể biểu đạt 4 loại nghĩa, bao gồm nghĩa vận động không gian vật lý, nghĩa vận động không gian trừu tượng, nghĩa kết quả, nghĩa trạng thái, trong khi đó “jin” chỉ có thể biểu đạt 2 nghĩa chính, gồm nghĩa vận động không gian vật lý và nghĩa vận động không gian trừu tượng; phạm vi kết hợp với động từ của “vào” rộng hơn “jin”; bổ ngữ đứng sau kết cấu trung tâm đa dạng hơn. Trong các bối cảnh ngôn ngữ khác nhau, “vào” trong tiếng Việt có thể tương đương với 7 kết cấu khác nhau trong tiếng Trung Quốc. Trên cơ sở các phân tích định tính và định lượng, có thể thấy mức độ hư hoá của “vào” cao hơn “jin” một cách rõ rệt. Sự khác biệt về mức độ hư hoá là điểm khác biệt căn bản của “vào” và “jin” nói riêng, cũng như động từ chỉ hướng trong tiếng Việt và động từ xu hướng trong tiếng Trung Quốc nói chung.
Directional verbs are a special word class in Vietnamese language. In terms of semantics, the basic meaning of these verbs points out the direction of movement in physical space, but they are often grammaticalized to express non-spatial movements and gradually change from notional words to function words. In terms of grammatical structure, these verbs can not only be used as a predicate but also as an adverbial modifier. As a result, significant attention from linguists has been paid to these verbs. This paper examines the directional verb “vào” in the Vietnamese structure “Vvào” and the directional complement “jin” in the Chinese structure “Vjin” and analyses their semantic types, semantic roles and the degree of grammaticalization of “vào” and “jin”. On the basis of comparative linguistics, this paper also identifies the similarities and differences between “vào” and “jin” and determines their equivalents and non-equivalents. The results showed that “vào” can express 4 different meanings, including motion in physical space, motion in abstract space, result and status. Meanwhile, “jin” can only express 2 main meanings, including motion in physical space and motion in abstract space. A wider range of verbs can be combined with “vào” than with “jin”. In different situations, “vào” in Vietnamese can be used as seven different structures in Chinese. Based on qualitative and quantitative analyses, the degree of grammaticalization of “vào” is proved to be significantly higher than “jin”. The degree of grammaticalization is the main difference between “vào” and “jin” in particular and between other Vietnamese and Chinese directional complements in general.