PHÂN TÍCH CÂU CÓ TÂN NGỮ CHỈ NƠI CHỐN CỦA ĐỘNG TỪ "CHI" TỪ NHIỀU GÓC ĐỘ
DOI:
https://doi.org/10.56844/tckhnn.18.634Tóm tắt
Bài viết này trả lời câu hỏi: Tại sao các động từ có tính cập vật cao như “chi”, “dú” lại lần lượt có thể kết hợp với các danh từ chỉ nơi chốn địa diểm như “shítáng”, “dàxué”. Sau khi áp dụng phương pháp lí luận tiên tiến và khoa học, xem xét nhiều phương diện cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng của động từ, tân ngữ và sự ảnh hưởng chi phối giữa hai đối tượng này, người viết nhận thấy:
- Về ý nghĩa, trong cấu trúc “chi shítáng”, tính cập vật và tính chất hành động của động từ “chi” bị giảm sút. Động từ “chi” không biểu thị hành động cụ thể, thay vào đó là hành động trừu tượng. Cấu trúc “chi shítáng” không chỉ có nghĩa “ăn ở đâu” mà còn bao hàm phương thức của hành động là “ăn như thế nào”. Tân ngữ “shítáng” không chỉ biểu thị nơi chốn “nhà ăn” mà còn khiến ta liên tưởng tới cơm canh và các món ăn ở nhà ăn. Như vậy, danh từ chỉ nơi chốn “shítáng” khi đứng ở vị trí của tân ngữ không đơn thuần biểu thị nơi chốn mà còn bao hàm ý nghĩa rộng hơn. Động từ có tính cập vật cao như “chi” và danh từ chỉ nơi chốn “shítáng” kết hợp được với nhau là do có mối liên hệ dựa trên sự hoàn chỉnh về khái niệm.
- Về cú pháp, các trợ từ biểu thị thời thái như “le” “zhe” “guo” không xuất hiện sau động từ “chi”. Trước tân ngữ “shítáng” không mang số lượng từ. Câu có tân ngữ chỉ nơi chốn của động từ loại “chi” không thể chuyển hoá thành câu chữ “bei” và câu chữ “ba”.
- “Ngắn gọn, kinh tế” đó là tính chất ngữ dụng của câu có tân ngữ chỉ nơi chốn của động từ loại “chi”.
Tác giả bài viết hi vọng sẽ cung cấp cho người dạy và học tiếng Hán hiểu rõ hơn một số cơ sở lí luận của ngữ pháp tiếng Hán, từ đó hiểu rõ hơn tính phức tạp của tân ngữ chỉ nơi chốn, nắm vững cơ chế ảnh hưởng nội tại của động từ loại “chi” và tân ngữ chỉ nơi chốn để vận dụng chính xác và linh hoạt loại câu này.